Trong làng giải trí Việt, Xuân Lan vốn là nữ siêu mẫu nổi tiếng với tính cách thẳng thắn, bộc trực. Không ít lần cô đã gây xôn xao bởi những quan điểm cá nhân trước các sự việc, câu chuyện được nhiều khán giả quan tâm.
Đặc biệt vài ngày gần đây, ồn ào “học trò và thầy” giữa Trấn Thành và Duy Khương đang trở thành chủ đề được cư dân mạng bàn tán vô cùng sôi nổi. Ngay lập tức Xuân Lan đã có một bài viết ngắn về mối quan hệ đầy phức tạp này.
Cụ thể Xuân Lan đã chia sẻ hình ảnh chụp chung với học trò của cô là người mẫu Thùy Trang và tâm sự: “Con bé này lại về ôm chị. Nó là một trong vài đứa học trò hiếm hoi thương chị Lala tròn vẹn, chưa từng làm chị thất vọng hay tổn thương. Mỗi lần nó gặp nói chuyện là nó khóc vì nó nhớ, nhớ khi chị dắt tay nó đi từ ngày đầu nó chập chững vào nghề, rồi chị nắm tay nó đứng lên vượt qua giông bão, chị đứng phía sau âm thầm hỗ trợ khi nó kiên trì phấn đấu ở môi trường quốc tế khắc nghiệt, rồi chị vô cùng tự hào khi nó gặt hái thành công. Đến giờ nó 35 tuổi, vẫn là siêu mẫu đắt show hàng đầu ở Úc và khối Châu Âu. Chị hẹn nó 7 năm nữa về để cho chị nghỉ hưu. Nhưng nó vẫn ngơ ngơ ngây thơ hồn nhiên lắm nên chắc khó. Chỉ có cảm xúc nó mãi mãi là thiệt nhiều”.’
Nữ siêu mẫu cho rằng nếu giữ tinh thần luôn nghĩ thầy khó, trò không dễ dàng để thành công: “Hôm qua nói chuyện về nghề với mấy anh lớn. Mấy anh em đúc kết rằng “trong showbiz này không ai thành công mà không nỗ lực kiên trì, phải mang trong lòng ngọn lửa đam mê rất lớn, vượt qua bao nhiêu chướng ngại vẫn phải đứng lên nỗ lực hết mình thì mới thành công”. Rồi sáng nay nói chuyện với em Minh Lộc. Em ấy than rằng lần đầu bị học trò chửi thầy vì thầy khó quá. Thấy thương ghê, nhớ lại mình cũng chuyên đóng vai ác, chửi học trò như hát hay, tạo áp lực kinh hoàng, nhưng trộm vía nhờ vậy mà các bạn học trò mình dạy ra đều giỏi cả. Rồi tiếc cho bạn học trò mắng thầy khó kia, với tinh thần đó thì mãi mãi bạn chỉ ngồi mơ giấc mơ nghệ sĩ mà thôi”.
Cô cảm thấy buồn khi cụm từ “thầy” và “trò” đang quá nhạy cảm, ngoài ra người đẹp thấy tiếc vì “trò” không chịu lớn: “Cứ như trẻ con ăn vạ, biến mình thành nạn nhân của cuộc đời, chẳng biết cám ơn, không bao giờ nhận lỗi, quá khứ thì người khác đã tốt với mình rồi, đã có bao điều ghi nhận lại, nhưng phủ nhận hết, không muốn ghi nợ ân tình gì với ai, sẵn sàng đạp lên người mình từng gọi là thầy trong lúc người gặp nạn. Rồi hả hê, rồi tố cáo, rồi tỏ ra mình bị oan ức, rồi đòi đôi chối để tỏ ra mình là chính nhân quân tử”.
Xuân Lan phân trần người “nhận” phải có tâm mới có thể phát triển: “Thật sự tiếc, buồn về nhân tình thế thái. Sau việc này thì liệu có ai sẽ kết nối để thành công? Những người “ Cho” là những người đã có tầm. Cho dù hại họ cũng sẽ chẳng hại được đâu. Những người “ Nhận” là những người chưa có đủ, mới phải nhận. Nhưng phải có “ Tâm” thì mới phát triển được. Tiếc thay”.