Xuất hiện bản điện ảnh “Tây du ký” dở tệ nhất, ngày đầu chỉ bán được 5 vé

Dự án điện ảnh “Ngộ Không” được sản xuất từ năm 2020 và mất 3 năm để ra rạp. Bộ phim được làm lại từ truyện “Tây Du Ký” kinh điển bị đánh giá dở tệ, kém xa phiên bản truyền hình năm 1986 hay các phiên bản điện ảnh khác của Từ Khắc.
Dự án điện ảnh lỗ nặng nhất từ đầu năm 2023

“Ngộ Không” 2023 là bản phim mới, được phát triển từ tuyến nhân vật Tôn Ngộ Không. Phim thực chất kể về kiếp sau của Tôn Ngộ Không, tên là Tôn Tiểu Thánh cùng với huynh đệ Kim Tiểu Bằng trừ gian diệt bạo khắp thiên hạ. Bối cảnh phim xảy ra 1000 năm sau khi Tôn Ngộ Không hộ tống Đường Tăng đi thỉnh kinh, khai thác những tranh chấp của tam giới. Do đó, cốt truyện, tính cách và hình tượng của nhân vật chính hoàn toàn mới mẻ, không liên quan đến nguyên tác “Tây du ký”.

Xuất hiện bản điện ảnh "Tây du ký" dở tệ nhất, ngày đầu chỉ bán được 5 vé - 1

Poster phim “Ngộ Không” phiên bản 2023.

Bộ phim được ra mắt vào hôm 24/2. Sau 1 ngày công chiếu, “Ngộ Không” chỉ mang về doanh thu 176 NDT (hơn 603 nghìn đồng), và “chốt sổ” 3376 NDT (gần 11,6 triệu đồng) sau tuần lễ đầu tiên. So với kinh phí sản xuất lên đến 30 triệu NDT (gần 103 tỷ đồng), đây chắc chắn là dự án điện ảnh lỗ nặng nhất từ đầu năm đến nay của màn ảnh rộng Hoa ngữ.

Bên cạnh đó, dự án điện ảnh “Ngộ Không” chỉ ra rạp một cách thầm lặng. Khâu quảng bá quá kém cũng là yếu tố khiến phim có doanh thu thấp, nếu không nói là tệ nhất trong năm nay. Hiện tại, Sohu dự đoán phim sẽ rời rạp sớm, “chốt” thêm một phiên bản “Tây du ký” làm lại “tồi tệ” nhất của làng phim Hoa ngữ.

Xuất hiện bản điện ảnh "Tây du ký" dở tệ nhất, ngày đầu chỉ bán được 5 vé - 2

Phim có doanh thu thấp, ngày đầu tiên chỉ bán được 5 vé.

Theo Sohu, phim bị đánh giá là thất bại trong cốt truyện, kịch bản, kỹ xảo yếu kém, bối cảnh đồ họa nghèo nàn và tạo hình nhân vật xấu, nhất là nhân vật chính Tôn Ngộ Không. Ngoài ra, chất lượng diễn xuất cũng không đồng đều, đáng tiếc nhất là cặp đôi Vương Ninh và Vương Lương khi có một màn thể hiện thiếu cảm xúc.

Theo phân tích của trang 163, mạch phim được xây dựng theo mô típ nhân quả luân hồi với cuộc tranh đấu giữa hậu duệ Tôn Ngộ Không và hậu duệ Kim Đại Bằng. Tình tiết họ ban đầu là bạn, sau đó trở mặt thành thù, và cuối cùng quay lại làm bạn, bị đánh giá lê thê và không có điểm nhấn đặc sắc. Một trong những chi tiết khiến người xem khó hiểu là khi Tôn Tiểu Thánh đánh bại cả Phật Tổ Như Lai, thăng cấp trở thành thần phật mới.

Xuất hiện bản điện ảnh "Tây du ký" dở tệ nhất, ngày đầu chỉ bán được 5 vé - 3

Tạo hình Ngộ Không và diễn xuất trong phim đều bị chê thậm tệ.

Các phiên bản điện ảnh “Tây du ký” gây sốt phòng vé

Sự thành công của “Tây du ký” năm 1986 đã khiến không ít người khó chấp nhận các phiên bản mới. Với trí tưởng tượng của các biên kịch hiện đại, câu chuyện kinh điển của tác giả Ngô Thừa Ân lúc thì xuất hiện thêm cả người ngoài hành tinh, khi biến tấu thành phim hài. Tuy vậy, với nội dung mới mẻ, lôi cuốn cùng diễn xuất nổi bật, những bộ phim này đều tạo nên “cơn sốt phòng vé” một thời với doanh thu khủng.

Xuất hiện bản điện ảnh "Tây du ký" dở tệ nhất, ngày đầu chỉ bán được 5 vé - 4

Vai diễn Chí Tôn Bảo tạo nên thương hiệu “vua hài Hong Kong” của Châu Tinh Trì.

Tác phẩm “Đại thoại Tây du” năm 1995 là phim đầu tiên mạnh tay cải biên câu chuyện Tây du ký thành phim hài. Bộ phim có cấu trúc thú vị theo lối kể ngược, xoay quanh tên cướp Chí Tôn Bảo (Châu Tinh Trì). Khi có báu vật Nguyệt quang bảo hợp, hắn dần nhận ra kiếp trước của mình là Tôn Ngộ Không. Trong suốt mạch phim có những chi tiết hài cường điệu, kết hợp cả yếu tố võ hiệp và những câu thoại hiện đại. Vai diễn Chí Tôn Bảo thành công giúp Châu Tinh Trì xây dựng thương hiệu vua hài Hong Kong vào giữa thập niên 1990.

Phần hai của phim vẫn mang tính hài hước nhưng tập trung hơn vào chuyện tình của Tôn Ngộ Không và Tử Hà tiên tử (Chu Ân). Vua khỉ dần chấp nhận thân phận của mình và đi thỉnh kinh, trong khi lòng vẫn nặng trĩu mối tình. Phim sửa đổi hình tượng các nhân vật khác xa nguyên tác như Đường Tăng (La Gia Anh) vừa già vừa nói nhiều, Quan Âm Bồ Tát nổi nóng vì Tam Tạng quá nhiều lời.

Phân cảnh kỳ quặc nhất của phim là khi Đường Tăng ngẫu hứng trình diễn bài hát tiếng Anh “Only You” suốt vài phút. Dù mạnh tay phóng tác nhưng hai phần “Đại thoại Tây du” gây ấn tượng nhờ câu chuyện tròn trịa và giàu cảm xúc. Năm 2005, Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong (HKFA) xếp phim đứng thứ 19 trong số các phim Hoa ngữ xuất sắc mọi thời.

18 năm sau “Đại thoại Tây du”, Châu Tinh Trì quay lại với câu chuyện Tây du ký nhưng lần này ở cương vị đạo diễn. Phim giới thiệu xuất thân hoàn toàn mới của bốn thầy trò. Đường Tăng là một thầy trừ yêu có mối tình với nàng pháp sư (Thư Kỳ), Tôn Ngộ Không già nua, xấu xí và hung tợn, Trư Bát Giới “mặt hoa da phấn” còn Sa Tăng là một yêu quái ăn thịt người. Lối hài cường điệu của Châu Tinh Trì được đẩy lên tột cùng gây thú vị cho khán giả, dù phim bị chỉ trích bởi nhiều cảnh bạo lực. Bộ phim trở thành tác phẩm “ăn khách” nhất Trung Quốc mọi thời đại với doanh thu lên đến 215 triệu USD.

Xuất hiện bản điện ảnh "Tây du ký" dở tệ nhất, ngày đầu chỉ bán được 5 vé - 5

“Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” của Châu Tinh Trì tiếp tục lập kỷ lục doanh thu.

Tác phẩm “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” bản 2017 là phần nối tiếp của bộ phim tạo “cơn sốt phòng vé” Tết Hong Kong hồi năm 2013. Bộ phim do Châu Tinh Trì làm sản xuất còn Từ Khắc đảm nhận vị trí đạo diễn và biên kịch. Tác phẩm là sự giao thoa về phong cách giữa “ông vua phim hài” và bậc thầy làm phim hành động. Doanh thu của bộ phim đạt 248,8 triệu USD.

Tính cách của các nhân vật đều thay đổi so với nguyên tác truyện Ngô Thừa Ân. Đường Tăng là người “hai mặt”, biết giả vờ dụ ngọt Tôn Ngộ Không để hoàn thành mục đích. Trong khi đó, Tôn Ngộ Không lại cực kỳ hung hãn và manh động. Nhân lúc sư phụ bị khàn tiếng không thể đọc thần chú, hắn tìm cách tiêu diệt thầy mình. Trư Bát Giới thấy phụ nữ đẹp luôn bị mê hoặc và lời nói trở nên nhỏ nhẹ. Trái ngược nhiều phiên bản Sa Tăng trước đó, hay phải hầu hạ Trư Bát Giới, nhân vật mới được nhị ca kéo xe đẩy chở mình.

Xuất hiện bản điện ảnh "Tây du ký" dở tệ nhất, ngày đầu chỉ bán được 5 vé - 6

“Đại thoại Tây du 3” cũng có nhiều yếu tố mới mẻ, nổi bật về diễn viên và kịch bản.

21 năm sau “Đại thoại Tây du 2”, đạo diễn Lưu Trấn Vỹ tiếp tục thực hiện phần ba. Trong phần này, Tử Hà tiên tử quay về quá khứ để ngăn Chí Tôn Bảo yêu cô bằng cách tác hợp cho anh và tình địch Bạch Tinh Tinh (Mạc Văn Úy). Phim cũng đưa vào tình tiết gây bất ngờ. Đường Tăng là con của chú khỉ được Ngọc Hoàng tạo ra để thay thế Tôn Ngộ Không. Châu Tinh Trì và Chu Ân đều không quay lại với vai diễn mà thay bằng các diễn viên trẻ Hàn Canh và Đường Yên. 

“Tây du ký: Ba lần đánh bại Bạch Cốt Tinh” (2016) là phần tiếp theo của “Đại náo thiên cung”, nhưng Quách Phú Thành thay Chân Tử Đan thủ vai Tôn Ngộ Không. Tài tử Phùng Thiệu Phong mang đến một Đường Tăng khác lạ khi cường điệu hóa tính cách bao đồng của nhân vật. Dù vậy, Củng Lợi mới là ngôi sao tỏa sáng nhất phim trong vai Bạch Cốt Tinh. Nhân vật này được đào sâu thêm tính cách so với màn xuất hiện ngắn ngủi trong truyện, trở thành một kẻ phản diện quyến rũ, ác độc nhưng cũng có số phận bi kịch. Phim nhận được 5 đề cử và giành chiến thắng hai hạng mục trong giải Kim Tượng HKFA lần thứ 36.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *